top of page

VLB - Trùm mỏ đá mang tiền về cho "mẹ" KSB (+22,8%)

  • Ảnh của tác giả: Nguyễn Bích Thảo
    Nguyễn Bích Thảo
  • 12 thg 1, 2022
  • 8 phút đọc

Đã cập nhật: 18 thg 1, 2022

Như đã hứa với Quý Anh Chị nhà đầu tư trong video phân tích VLB ngày 12.02.2021. Thì hôm nay (17.01.2022) Thảo có một bài viết chi tiết về VLB để Anh Chị cùng tham khảo ạ.


1. Giới thiệu về doanh nghiệp:


Đầu tiên để Thảo giới thiệu sơ lược về doanh nghiệp theo cách dễ tiếp cận nhất ạ.

VLB - Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hoà.

Viết tắt: BBCC. Ngày 22/09/2016 Cổ phiếu Công ty được chính thức giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (Upcom). Vốn điều lệ: 470 tỷ đồng. Công ty có trụ sở chính ở K4/79C, Nguyễn Tri Phương, KP 3, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.


Về cổ đông: Hiện tại Tổng công ty công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai đang là cổ đông lớn nhất tại VLB với tỷ lệ nắm giữ là 49%. Tiếp theo đó là KSB - Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương với 9.62% . Đánh giá chung thì thành phần cổ đông của VLB khá cô đặc. Và sẽ không có gì đặc biệt nếu không kể đến câu chuyện thâu tóm mà Thảo sẽ phân tích ở phần dưới.


Ngành nghề: Điểm qua về ngành nghề. Hoạt động kinh doanh chính mang về LN lớn nhất cho VLB là Bán đất đá (68%), tiếp đó là Bán hàng hoá (25%) còn lại là Xây dựng và DT khác (7%) . Tỷ trọng này đã được duy trì trong nhiều năm qua. Do đó để biết DN trong tương lai còn tiềm năng tăng trưởng nhiều hay không chúng ta cần tìm hiểu kỹ về triển vọng của hoạt động Bán đất đá (sản lượng, diện tích khai thác, các mỏ đá,...). Phần này Thảo sẽ bóc tách ở mục Luận điểm đầu tư.

Mảng Bán đất, đá chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của VLB (Trích BCTC Q3.2021)

2. Cấu trúc tài chính:


Ở phần này chúng ta cùng tìm hiểu xem liệu DN này có tỷ lệ tài sản ngắn hạn và dài hạn như thế nào? Có phù hợp với 1 doanh nghiệp khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng hay không? Xem tỷ lệ Nợ và Vốn chủ sở hữu hiện tại ra sao? Có đang nằm ở mức rủi ro hay không?,...


Nếu như trước đây tỷ lệ tài sản ngắn hạn của VLB luôn thấp hơn tài sản dài hạn. Thì những năm gần đây tỷ lệ này đã xấp xỉ 1:1. Và năm 2020 tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên tổng tài sản chiếm 56,2%. Con số này tăng vào các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Chúng ta có một sự dịch chuyển trong cơ cấu tài sản. Bóc tách số liệu như trong video Thảo đã phân tích thì năm 2017 VLB đã chuyển dòng tiền đầu tư tài chính từ dài hạn sang ngắn hạn. Điều này góp phần giảm áp lực tương đối về tài chính trong ngắn hạn cho VLB. Và kết quả khoản lợi nhuận từ việc cơ cấu này tăng trưởng tốt hơn hẳn so với giai đoạn đầu tư dài hạn trước. Cùng với đó VLB đã tất toán khoản nợ dài hạn vào 2016. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần theo dõi các khoản Nợ ngắn hạn vì điều này cũng sẽ tăng áp lực vòng xoay trong ngắn hạn.


Với tỷ lệ Nợ trên Vốn chủ sở hữu là 1:4. Thảo đánh giá đây là tỷ lệ tương đối tốt của 1 doanh nghiệp khai thác đá nói riêng và cả khi so sánh với thị trường chung. Ngoài ra Vốn chủ sở hữu của VLB còn tăng qua từng năm. Thảo cho rằng đây là một tín hiệu tích cực.

Vốn chủ sở hữu của VLB tăng qua các năm

3. Hiệu quả kinh doanh:


Xét về hiệu quả kinh doanh. Nhìn chung, doanh thu và lợi nhuận của VLB trong những năm qua có sự tăng trưởng nhưng chưa thực sự bứt phá. Năm 2020 mặc dù DT có phần sụt giảm nhưng nhờ tiết chế được giá vốn hàng bán (nhờ tận dụng được các bến thuỷ trong việc giao hàng) nên chúng ta vẫn thấy lợi nhuận có sự tăng trưởng. Doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp chứ không phải là những khoản lợi nhuận đột biến.

Doanh thu và lợi nhuận có sự tăng trưởng.

Và Thảo đang đề cập đến yếu tố ổn định - một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để chúng ta quyết định có nên đầu tư vào doanh nghiệp hay không. Vậy nếu doanh thu và lợi nhuận ổn định, liệu doanh nghiệp này có san sẻ đến với cổ đông hay không. Sau đây Thảo sẽ liệt kê lịch sử chia cổ tức của VLB để Anh Chị cùng xem qua.

Lịch sử chia cổ tức của VLB

Lịch sử chia cổ tức đều đặn với mức lợi suất hấp dẫn là một điểm sáng đối với VLB. Và Thảo tin rằng nhà đầu tư nào cũng muốn thấy điều này ở một doanh nghiệp mình dự định đầu tư.

Về kế hoạch 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 150 tỷ. Trước ảnh hưởng và rủi ro của đại dịch thì Thảo đánh giá Ban lãnh đạo đã có kế hoạch khá thận trọng.


4. Luận điểm đầu tư


Như đã đề cập ở phần trên, thật là thiếu sót nếu chúng ta không tìm hiểu về thứ tài sản vô cùng quý giá của VLB. Đó chính là các mỏ đá - Luận điểm đầu tiên. Hiện tại doanh nghiệp đang quản lý và khai thác 5 mỏ đá vô cùng tiềm năng tại khu vực tỉnh Đồng Nai với tổng trữ lượng trên 101.585.629 m3 đá nguyên khối. Năng lực khai thác và chế biến đá trên 6.000.000m3/năm. Với tổng trữ lượng dồi dào, tiềm lực khai thác mạnh mẽ cùng với thời hạn được cấp phép khai thác còn lâu dài. Thảo đánh giá đây sẽ là yếu tố giúp lợi nhuận của VLB tăng trưởng cực kỳ ấn tượng trong thời gian tới.

Các mỏ đá VLB đang quản lý và khai thác

Theo bảng dưới đây, 3 mỏ đá đóng góp doanh thu và sản lượng nhiều nhất cho VLB là Mỏ Thiện Tân 2 (34%), Mỏ Thạnh Phú 1 (31%), Mỏ Tân Cang 1 (25%)

Trích: Báo cáo thường niên 2020 của VLB

Thêm vào đó, việc được cấp phép thực hiện mở rộng diện tích khai thác 1 lần nữa khẳng định tiềm năng tăng trưởng cho thời gian sắp tới của VLB. Sau khi phân tích tương đối nhiều doanh

Trích: Báo cáo thường niên 2020 VLB

nghiệp, Thảo nhận thấy một điều không thể phủ nhận đó là khi xây dựng xong 1 nhà máy, với điều kiện tất cả các yếu tố còn lại vẫn bình thường thì năng suất của doanh nghiệp sẽ tăng cực kỳ tốt. Do đó sản lượng và doanh thu cũng tăng đồng thuận. Và VLB cũng không là ngoại lệ. Chúng ta cùng xem qua về tình hình mở rộng diện tích khai thác sắp tới.


Luận điểm thứ 2 Thảo muốn đề cập tới đây chắc không còn lạ lẫm với Anh Chị nhà đầu tư. Đó là việc hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ nhằm kích thích, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Chúng ta đã nói nhiều về các dự án đầu tư công. Vì thế, Thảo muốn tập trung vào điểm mạnh của VLB trong việc hưởng lợi này. Như chúng ta đã biết, trong nhóm vật liệu xây dựng còn có rất nhiều các doanh nghiệp vật liệu khác như: thép, sắt, xi măng, đất, đá,...Nhưng tại sao Thảo lại chọn VLB. Công bằng mà nói, đá là một trong những vật liệu chỉ có thể khai thác chứ không tự sản xuất được. Do đó, với tiềm lực hiện tại thì đây tiếp tục là một lý do giúp VLB xứng đáng có vị thế cạnh tranh trong ngành vật liệu xây dựng. Bắt đầu từ 2020 khi một số công trình giao thông trọng điểm khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ được đẩy mạnh tiến độ thi công thì nhu cầu vật liệu xây dựng để cung cấp cho các dự án này là rất lớn. Với điều kiện vĩ mô ủng hộ, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng mức tăng trưởng bứt phá của VLB trong thời gian tới. Nếu Anh Chị muốn tìm hiểu kỹ hơn về đầu tư công thì Thảo cũng đã có video phân tích “Mối tương quan giữa GDP và đầu tư công”. Anh Chị có thể tham khảo thêm.

Tỷ trọng đầu tư cơ sở hạ tầng trong gói kích cầu. Nguồn hình: Cafef

Hình ảnh các mỏ đá của VLB thuận lợi cho việc cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án khi Chính phủ đẩy mạnh xây dựng đầu tư công. Đặc biệt dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức Long Thành, khu dân cư sân bay Long Thành,..


“Thiên thời địa lợi” đã hội tụ. Vậy còn yếu tố “nhân hoà” thì sao? Đây cũng chính là luận điểm cuối cùng mà Thảo muốn nhắc đến. Case thâu tóm của KSB - Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (BIMICO). Nhắc đến KSB chúng ta không thể không nhắc đến tham vọng sở hữu VLB của ông lớn trong lĩnh vực khai khoáng này. Sở hữu những mỏ đá lớn nhất khu vực Đồng Nai, VLB từ lâu đã rơi vào tầm ngắm của KSB. Động thái thâu tóm đầu tiên được thực hiện bằng việc mua lại 4,5 triệu cổ phiếu VLB từ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hoàng Gia Phát từ 24/02/2021. Đó chưa phải là tất cả. Trong ĐHCĐ gần nhất 20.04.2021, Ông Phan Tấn Đạt Chủ tịch HĐQT KSB cho biết hiện tổng số cổ phần sở hữu tại VLB khoảng 41% cả trực tiếp và gián tiếp. Và KSB đang nỗ lực tăng tỷ lệ sở hữu ở mức chi phối tại VLB. Tuy nhiên, thủ tục thực hiện cổ phần hoá còn khá lâu nên nỗ lực đáng lẽ được thực hiện trong năm 2021 được dời sang 2022. Chúng ta đều biết công ty Thực phẩm hiện tại nắm giữ 49% số cổ phần tại VLB - con số không hề nhỏ. Do đó :

Giả thiết 1: Tất cả những người bán đều muốn bán được giá cao!

Giả thiết 2: Lợi nhuận của con cũng chính là lợi nhuận của mẹ!

Nếu 2 giả thiết trên của Thảo là đúng thì giá của cổ phiếu VLB càng có động lực để tăng mạnh trong thời gian sắp tới ạ.


5. Định giá:


Hiện tại VLB đang có mức P/E = 15 (16.01.2022) cao hơn so với mặt bằng chung của ngành. Tuy nhiên, xét về quy mô và năng lực sản xuất. Thảo cho rằng đây là mức P/E hợp lý đối với VLB.

Dự phóng lợi nhuận của VLB

Với kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định cùng với việc hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô, Thảo kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2022 và những năm tới của VLB sẽ rất sáng sủa.

Cụ thể, con số lợi nhuận sau thuế cho 2022 là 202,340 tỷ đồng. EPS năm 2022 tương ứng là 4.328 đồng/cổ phiếu. Với mức PE hợp lý ở vùng 15 lần cho doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng và tiềm lực dồi dào. Giá kỳ vọng của Thảo cho VLB năm 2022 lên đến 65.000 đồng/CP (+22.8%). Năm 2023, khi mà các mỏ đá được khai thác và mở rộng tối đa công suất cộng với các dự án đầu tư công: khu dân cư sân bay Long Thành,..đi vào giai đoạn cao trào thi công thì lợi nhuận cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ lên 250,525 tỷ đồng, EPS khoảng 5.359 VNĐ. Vì vậy, em tin rằng định giá 80.000 đồng/CP là hoàn toàn hợp lý. Kỳ vọng sắp tới sẽ là thời kỳ bùng nổ của VLB.


Cảm ơn tất cả Anh Chị đã dành thời gian để đọc đến cuối bài viết của Thảo. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại cho Anh Chị một gợi ý cho danh mục đầu tư của mình năm 2022 này.


Mobile/Zalo: 0333003915

Chúc Quý Nhà đầu tư sức khoẻ và thành công!


Ngoài ra, Anh Chị có thể xem lại video Thảo phân tích để biết chi tiết về số liệu ạ.



Commenti


Small Green Plants

An investment in knowledge pays the best interest. 
- Benjamin Franklin

Contact

Hội sở Yuanta Việt Nam-65  Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1, tp HCM 

E-mail: thao.nguyen2@yuanta.com.vn  |  

Tel/Zalo: 0333003915

Thanks for submitting!

bottom of page